Thân thế và đạo nghiệp Thường_Chiếu_(thiền_sư)

Thiền sư là người họ Phạm nhưng không rõ tên, sinh ra ở làng Phù Ninh, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Theo Thiền uyển tập anh, khi chưa xuất gia, ông đã từng làm quan đến chức Lệnh đô tào ở cung Quảng Từ dưới triều vua Lý Cao Tông. Sau đó, ông từ quan đi xuất gia theo học với Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190, thuộc đời thứ 11 thiền phái Vô Ngôn Thông) ở chùa Tịnh Quả.

Khi được tâm truyền của thầy, Thiền sư Thiền Chiếu ở lại thêm vài ba năm để hầu thầy, rồi mới lui về một ngôi chùa cổ ở làng Ông Mạc (Bắc Ninh) để trụ trì và giảng pháp, kết nạp rất nhiều đệ tử[2]. Ít lâu sau, Thiền sư Thường Chiếu lại dời sang trú trì tại chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (Bắc Ninh), vốn là một tổ đường rất xưa của thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Trong sách Thiền uyển tập anh có tường thuật một đoạn hội thoại với đệ tử, phản ánh nhận thức Phật pháp của ông:

Có vị Tăng hỏi: "Khi vật và ta duyên nhau thì làm thế nào?"

Sư đáp:

"Ta vật đều quên,Tâm tính vô thườngDễ sinh dễ diệtGiây phú không ngừng,Ai kẻ vin bắt?Sinh thì vật sinhDiệt thì vật diệtPháp kia có đượcThường không sinh diệt"

Vị Tăng thưa: "Người học chưa hiểu, xin thầy dạy lại". Sư bảo: "Rõ tâm tình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mình mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi".

Lại hỏi: "Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?"

Sư đáp: "Như một lỗ chân lông, biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Đẳng chánh giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Đức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn, mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi Dục và cõi Phi Dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp (38b1). Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết rõ tất cả các pháp là tính Niết bàn (3). Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sinh, không có tính phi chúng sinh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành Đẳng chánh giác (6).Bèn nói tiếp bài kệ sau:

"Tại thế làm thân ngườiTâm là tạng Như LaiChiếu ngời khắp mọi cõiVắng bóng lúc tìm tòi".


Ở đây, ngoài việc giảng dạy cho môn đồ, Thiền sư Thường Chiếu còn bổ túc cho tập sử liệu Phật giáo do Thiền sư Thông Biện để lại, mà sau này sẽ trở thành cuốn Thiền uyển tập anh [3].

Ngày 24 tháng Chín (âm lịch) năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203) đời Lý Cao Tông, Thiền sư Thường Chiếu cho hay mình đau, nhóm chúng nói kệ, rồi ngồi kiết già viên tịch [4]. Sau đó, các đệ tử làm lễ hỏa táng thầy, đưa vào tháp để tôn thờ.

Tác phẩm của Thiền sư Thường Chiếu để lại có:

  • Thích đạo khoa giáo
  • Nam tông tự pháp đồ, viết về sự truyền thừa của Phật giáoĐại Việt, nhưng đã thất lạc.

Thiền sư Thường Chiếu có ba người đệ tử nổi bật, đó là: Hiện Quang (là người sẽ khai sơn thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần), Thần Nghi (là người được thầy trao lại các tập sử liệu Phật giáo), và Thông Thiền (hay Thông Sư. Ông chỉ là cư sĩ, nhưng sau đào tạo được Thiền sư Tức Lự)[5]

Liên quan